Tìm hiểu về trầm cảm

Tìm hiểu về trầm cảm

Trong phần này, chúng tôi cung cấp cho các bạn một cái nhìn tương đối toàn diện về trầm cảm. Từ định nghĩa thế nào là trầm cảm, trầm cảm xuất hiện khi nào, ai là người có nguy cơ mắc trầm cảm, các biện pháp nhận biết các dấu hiệu sớm của trầm cảm và rối loạn cảm xúc, cách xử trí các dấu hiệu nhẹ và khi nào tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia.

Theo định nghĩa của tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trầm cảm là một trạng thái rối loạn tâm lý mà nó thể hiện với các dấu hiệu có rối loạn cảm xúc như buồn, mất hứng thú, cảm giác mất năng lượng, có cảm giác phạm lỗi, mất ngủ hay rất khó tập trung hoàn thành công việc. Rất nhiều trường hợp, trầm cảm thường đi cùng với cảm giác sợ hãi. Nếu các dấu hiệu này kéo dài và tồn tại lâu thì trở thành mạn tính và làm ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt, đời sống, công việc hàng ngày của người mắc trầm cảm, thậm chí ảnh hưởng cả gia đình, tình yêu và hôn nhân. Những trường hợp mắc trầm cảm nặng có thể có ý nghĩ tự tử dẫn đến thực hiện hành vi tự tử.

Hàng năm, theo WHO, trên toàn thế giới có hàng chục triệu người mắc trầm cảm và có đến gần 1 triệu người tự tử do trầm cảm. Tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu đánh giá tỷ lệ mắc trầm cảm đại diện cho quốc gia. Theo một số nghiên cứu điều tra cắt ngang được triển khai tại các vùng khác nhau của Việt Nam, tỷ lệ hiện mắc trầm cảm 5-9% tổng dân số. Tuy nhiên, nếu chúng ta lên mạng vào google và tìm kiếm từ khóa “tự tử” thì thấy các bài báo viết về tự tử khá phổ biến tại Việt Nam và xuất hiện khá dày đặc trong vòng 10 năm trở lại đây. Điều quan trọng là chẳng ai biết là họ mắc trầm cảm, đến khi họ tự tử rồi mới phát hiện ra họ bị mắc trầm cảm.

Các hậu quả của bệnh trầm cảm: Người mắc trầm cảm mạn tính thường giảm hoặc mất hết hứng thú với mọi thứ trong cuộc sống, họ cảm thấy là người vô dụng, luôn thấy có lỗi và giảm hiệu năng trong công việc, học tập và cả giao tiếp. Họ trở lên trầm tính, ít nói, ít giao lưu và không đi ra ngoài trong các hoạt động như liên hoan, hội họp hay các chỗ tập trung đông người. Nặng hơn nữa thì có thể có hành vi làm hại bản thân, tự tử. Người mắc trầm cảm thường sẽ dễ bị mất việc, mất người yêu, học hành sa sút, kinh doanh thua lỗ v.v. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế y tế, thiệt hại cho các doanh nghiệp, nền kinh tế do nhân viên/cán bộ bị trầm cảm có thể lên đến hàng chục tỷ đô la mỗi năm do giảm hiệu xuất công việc, công việc bị đình trệ và chậm tiến độ do nhân viên trầm cảm.